Cục Xúc tiến thương mại có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Cục Xúc tiến thương mại có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 2 Quyết định 963/QĐ-BCT năm 2013 quy định nhiệm vụ và quyền hạn Cục Xúc tiến thương mại gồm:
- Xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành chương trình, dự án, đề án, chiến lược, kế hoạch, các văn bản phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức - kinh tế kỹ thuật, quy chế quản lý về hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.
- Ban hành các văn bản cá biệt, văn bản thuộc chuyên ngành của Cục và một số văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án, đề án về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo quy định của pháp luật.
- Về xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương:
+ Tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và ban hành Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, chiến lược, chính sách xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
+ Giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; chỉ đạo, điều phối, phối hợp, hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại Chính phủ, phi Chính phủ hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của pháp luật;
+ Trình Bộ trưởng quy định nội dung, điều kiện hoạt động về quảng cáo thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn, kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động về quảng cáo thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
+ Quản lý nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các hoạt động xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương theo quy định của pháp luật;
+ Phối hợp với bộ phận làm công tác kinh tế, thương mại tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương.
+ Nghiên cứu thị trường nhằm hoạch định chính sách xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và hỗ trợ doanh nghiệp; thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin thị trường phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế;
+ Tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương; tổ chức hoạt động giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài; quản lý các Trung tâm giới thiệu sản phẩm, Trung tâm thương mại, Trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.
- Xây dựng, quản lý Chương trình Truyền hình Công Thương để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương, và thương hiệu.
- Về quản lý hoạt động Văn phòng đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam:
+ Tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và ban hành quy định về quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam;
+ Giúp Bộ trưởng hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép của Văn phòng đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật
- Về thương hiệu:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia theo quy định của pháp luật;
+ Xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn, thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu.
- Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các hội ngành nghề trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo phân công của Bộ.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về các văn bản quy phạm pháp luật và nghiệp vụ, chuyên môn về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.
- Tổ chức nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin về xúc tiến thương mại, thương hiệu, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương.
- Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.
- Tổng hợp, lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, đánh giá tình hình hoạt động về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.
- Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ.
- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi đua, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.
- Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
Nhiệm vụ và quyền hạn Cục Xúc tiến thương mại gồm những gì? (Hình từ Internet)
Mức giảm giá tối đa 100% đối với hoạt động xúc tiến thương mại được áp dụng trong trường hợp nào?
Tại Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định:
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại
1. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
2. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:
a) Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;
b) Hàng thực phẩm tươi sống;
c) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định:
Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
...
5. Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều này gồm:
a) Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;
b) Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
- Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
- Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
...
Theo đó, trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) quy định trên thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.
Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thương nhân nước ngoài thành lập văn phòng đại diện có được thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại không?
Theo Điều 18 Luật Thương mại 2005 quy định:
Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
2. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép.
3. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này.
4. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, thương nhân nước ngoài thành lập văn phòng đại diện được thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhưng trong phạm vi pháp luật cho phép.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.