Chế độ hưởng lương đối với viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ như thế nào?
- Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ thì có chế độ hưởng lương như thế nào?
- Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ thì có phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội hay không?
- Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ có thuộc các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật không?
Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ thì có chế độ hưởng lương như thế nào?
Căn cứ Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định về chế độ, chính sách đối với trường hợp viên chức giữ chức vụ quản lý đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam như sau:
Chế độ, chính sách đối với trường hợp đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ
Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì áp dụng theo chế độ quy định như sau:
1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
Chế độ hưởng lương đối với viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ như thế nào? (Hình từ Internet)
Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ thì có phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Cụ thể tại khoản 7 Điều 42 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Quản lý đối tượng
...
7. Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Từ quy định trên, với trường hợp đối tượng người lao động ở đây là viên chức giữ chức vụ quản lý mà đang bị tạm giam, tạm giữ vi phạm pháp luật thì người viên chức này và đơn vị của họ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn phải đảm bảo đóng đầy đủ bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà viên chức được hưởng theo quy định của pháp luật.
Viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ có thuộc các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật không?
Theo Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như sau:
Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
3. Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật sẽ thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Như vậy, viên chức giữ chức vụ quản lý bị tạm giam, tạm giữ sẽ thuộc trường hợp chưa bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.