Thân nhân có được hỗ trợ chi phí không nếu người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết?
- Người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết thì thân nhân có được hỗ trợ chi phí không?
- Hồ sơ để thân nhân người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết được hỗ trợ chi bao gồm những gì?
- Doanh nghiệp được hỗ trợ bao nhiêu tiền để đưa thi hài người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng về Việt Nam?
Người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết thì thân nhân có được hỗ trợ chi phí không?
Tại Điều 3 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như sau:
Thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
1. Thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
2. Quỹ có trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội, có trang thông tin điện tử.
3. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Fund for Overseas Employment Support, viết tắt là FES.
Tại Điều 9 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Nguyên tắc hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Người lao động được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này khi đóng góp Quỹ đầy đủ. Thời điểm áp dụng hỗ trợ tính từ thời điểm người lao động đóng góp quỹ.
2. Người lao động được hỗ trợ 01 lần đối với từng nội dung hỗ trợ quy định tại Quyết định này cho 01 lần đóng góp Quỹ.
3. Các nội dung quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 của Quyết định này chỉ áp dụng đối với các vụ việc phát sinh trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
4. Trường hợp người lao động đã hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ các chương trình, dự án, chính sách thuộc ngân sách nhà nước thì không hưởng hỗ trợ theo quy định tại Điều 15 Quyết định này và ngược lại.
5. Các nội dung hỗ trợ từ Quỹ không làm giảm, thay đổi hoặc loại bỏ quyền, nghĩa vụ của người lao động, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, doanh nghiệp, tổ chức đưa đi đối với người lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các quy định pháp luật khác.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 14 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định về hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài mức hỗ trợ: 40.000.000 đồng/trường hợp.
Theo như quy định nêu trên thì nếu con của bạn tham gia đóng góp đầy đủ vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo pháp luật thì bạn sẽ được hỗ trợ chi phí khi con bạn qua đời trong quá trình làm việc tại nước ngoài. Khi đó, mức hỗ trợ đối của bạn là 40.000.000 đồng.
Thân nhân có được hỗ trợ chi phí không nếu người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết? (Hình từ Internet)
Hồ sơ để thân nhân người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chết được hỗ trợ chi bao gồm những gì?
Tại Khoản 2 Điều 14 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định đại diện thân nhân của người lao động (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh/chị/em ruột) hoặc người được thân nhân của người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của thân nhân của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ rủi ro (Mẫu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này) kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi tới Cơ quan điều hành Quỹ. Hồ sơ gồm:
- Bản sao giấy chứng tử của người lao động hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc tuyên bố người lao động đã chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân với người lao động;
- Văn bản ủy quyền (ghi rõ nội dung ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quyền đại diện theo pháp luật theo quy định trong trường hợp người được thân nhân của người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của thân nhân của người lao động nộp hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ nộp thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, đơn vị, cá nhân lập danh sách người lao động hỗ trợ kèm theo hồ sơ của người lao động gửi Cơ quan điều hành Quỹ (Mẫu theo Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này).
Như vậy, để được hỗ trợ chi phí khi con của bạn qua đời trong quá trình làm việc tại nước ngoài thì bạn phải cung cấp hồ sơ đầy đủ bao gồm các giấy tờ nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp được hỗ trợ bao nhiêu tiền để đưa thi hài người lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng về Việt Nam?
Tại Điều 19 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định về hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết về nước như sau:
Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết về nước
1. Doanh nghiệp phải đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài khi người sử dụng lao động bị phá sản, không có khả năng thanh toán chi phí và người lao động không được bảo hiểm chi trả, được hỗ trợ 50% chi phí thực tế vận chuyển thi hài, di hài của người lao động từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi người lao động làm việc về Việt Nam.
2. Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hỗ trợ (Mẫu theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định này) kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu chính tới Cơ quan điều hành Quỹ. Hồ sơ gồm:
a) Bản sao giấy chứng tử của người lao động hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc tuyên bố người lao động đã chết;
b) Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại về việc người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản hoặc văn bản tuyên bố phá sản của người sử dụng lao động ở nước ngoài, được hợp pháp hóa theo quy định;
c) Báo giá chi phí vận chuyển thi hài, di hài người lao động của 03 hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi người lao động làm việc về Việt Nam;
d) Bản sao hóa đơn tài chính của đơn vị vận chuyển.
3. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ, trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo đó, nếu doanh nghiệp phải đưa thi hài của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài khi người sử dụng lao động bị phá sản, không có khả năng thanh toán chi phí và người lao động không được bảo hiểm chi trả sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thực tế vận chuyển thi hài của người lao động từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi người lao động làm việc về Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.