Khi lượng tiêu thụ dưới 1.000.000 KWh/tháng thì người mua điện có cần thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng không?
- Người mua điện có cần thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng không khi lượng tiêu thụ dưới 1.000.000 KWh/tháng?
- Những hành vi nào của bên mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện?
- Đơn vị bán lẻ điện không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng bị phạt bao nhiêu tiền?
Người mua điện có cần thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng không khi lượng tiêu thụ dưới 1.000.000 KWh/tháng?
Tại Điều 12 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện, theo đó:
Bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện
1. Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.
2. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.
3. Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện; khuyến khích thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.
4. Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.
5. Quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện không áp dụng đối với các hợp đồng mua bán điện đã có hiệu lực trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, trừ các hợp đồng mua bán điện mà hai bên đã có thỏa thuận về bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Khi mua điện và sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên thì mới phát sinh trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.
Nhưng theo thông tin bạn cung cấp là phía đơn vị bạn có sản lượng điện tiêu thụ bình quân dưới 1.000.000 kWh/tháng nên bạn sẽ không cần thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện.
Khi lượng tiêu thụ dưới 1.000.000 KWh/tháng thì người mua điện có cần thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng không? (Hình từ Internet)
Những hành vi nào của bên mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện?
Theo Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện, cụ thể như sau:
Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện
1. Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:
a) Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;
b) Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;
d) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
đ) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
2. Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:
a) Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký;
b) Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;
c) Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;
d) Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;
đ) Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;
e) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
g) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
Với quy định trên, bạn là bên mua điện ở trong hợp đồng mua bán và bạn sẽ không được thực hiện các điều cấm nêu trên theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm bạn có thể bị xử phạt về hành chính với hành vi mà bạn vi phạm.
Đơn vị bán lẻ điện không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 14 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm các quy định về bán lẻ điện, như sau:
Xử lý vi phạm các quy định về bán lẻ điện
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai tại các địa điểm giao dịch mua bán điện các quy định của pháp luật về biểu giá điện, thủ tục thực hiện cấp điện, đo đếm điện, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện và kết thúc dịch vụ điện, quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện, hướng dẫn về an toàn điện.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp tái phạm;
b) Niêm yết giá không đúng giá bán lẻ điện cụ thể theo quy định.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ đến kiểm tra, thanh tra việc mua bán điện.
4. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng;
b) Sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng không được kiểm định theo quy định hoặc đã được kiểm định nhưng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cho thiết bị đo đếm điện năng đối với lưới phân phối điện.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi.
6. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không ký hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng;
b) Bán điện mà không có hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện.
7. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định;
b) Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành.
8. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi mua điện của Đơn vị điện lực không có Giấy phép hoạt động điện lực.
9. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều này. Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước;
b) Buộc phải kiểm định các thiết bị đo đếm điện và thay thế các thiết bị không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và khoản 9 Điều này.
Nếu đơn vị bán lẻ điện của bạn không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 30.000.000 đồng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.