Có vi phạm pháp luật khi dùng bảo hiểm xe máy online không?
1. Dùng bảo hiểm xe máy online có vi phạm pháp luật không?
Tại Điều 18 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm như sau:
Ngoài các nghĩa vụ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có nghĩa vụ:
1. Phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm xem xét tình trạng xe trước khi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để áp dụng phí bảo hiểm phù hợp cho thời gian còn lại của hợp đồng Bảo hiểm trong trường hợp có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được Bảo hiểm.
3. Luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
…
Như vậy, theo quy định trên khi tham gia giao thông người tham gia phải luôn mang theo bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử). Bạn vẫn có thể sử dụng bảo hiểm xe máy mà bạn đã mua ở trên mạng, việc sử dụng bảo hiểm xe máy online là không vi phạm pháp luật.
Chỉ cần bạn có lưu trữ lại bảo hiểm đấy trong điện thoại để phòng khi cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì bạn vẫn có thể đưa cho cảnh sát, tránh trường hợp không có bảo hiểm xe khi tham gia giao thông. Lưu ý là bảo hiểm phải còn hiệu lực.
2. Tham gia giao thông mà người điều khiển xe máy không mang theo bảo hiểm bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.
Do đó, khi tham gia giao thông mà người điều khiển xe máy không mang theo bảo hiểm còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
3. Khi xảy ra tai nạn người mua bảo hiểm có trách nhiệm gì?
Căn cứ Khoản 5 Điều 18 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định khi xảy ra tai nạn người mua bảo hiểm có trách nhiệm như sau:
a) Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn; thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn giao thông.
b) Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm; trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
c) Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 15 Nghị định này.
d) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.
Trên đây là những trách nhiệm của người mua bảo hiểm khi xảy ra tan nạn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.