Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 có yêu cầu như thế nào?
1. Yêu cầu xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được quy định như thế nào?
Tại Điều 12 Thông tư 47/2022/TT-BTC (có hiệu từ 12/09/2022) quy định về yêu cầu xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được quy định như sau:
1. Dự toán NSNN năm 2023 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của trung ương; phù hợp với mục tiêu, định hướng, nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và kế hoạch, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.
2. Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023, phù hợp với khả năng nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định); triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.
3. Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện và huy động các nguồn lực tương ứng các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN.
4. Tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 quy định như thế nào?
Theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư 47/2022/TT-BTC (có hiệu từ 12/09/2022) quy định về nguyên tắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 quy định như sau:
1. Nguyên tắc chung
a) Dự toán thu NSNN năm 2023 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các Luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN.
b) Xây dựng dự toán thu năm 2023 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các tác động thu ngân sách gắn với thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 và việc bổ sung vốn điều lệ cho 03 Ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối theo nghị quyết số 43/2022/QH15; các tác động thu ngân sách do thực hiện các nghĩa vụ của Chính phủ đối với các cam kết với nhà đầu tư nước ngoài đã và đang trình cấp thẩm quyền.
c) Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
d) Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 7-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022 (sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.