Được tuyển thẳng vào đào tạo trình độ cao đẳng trong những trường hợp nào?
1. Trường hợp nào được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng?
Tại Điều 32 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 113 Luật giáo dục 2019 quy định về tuyển sinh đào tạo, cụ thể như sau:
1. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
2. Việc tổ chức tuyển sinh được thực hiện như sau:
a) Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm theo chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định;
b) Tuyển sinh trình độ sơ cấp được thực hiện theo hình thức xét tuyển;
c) Tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Căn cứ vào yêu cầu cụ thể của chuyên ngành hoặc nghề đào tạo, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng có thể quyết định việc sơ tuyển trước khi tiến hành xét tuyển hoặc thi tuyển.
3. Các trường hợp được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng bao gồm:
a) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
c) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật này.
4. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 64 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định chính sách đối với người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề, như sau:
2. Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia có bằng tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Theo đó, với quy định trên thì những đối tượng được quy định như trên sẽ được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng.
2. Tuyển sinh sai đối tượng ở trình độ cao đẳng bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 9 Nghị định 79/2015/NĐ-CP về vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh, như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng ở trình độ sơ cấp với một trong các mức sau đây:
a) Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai dưới 10 người học;
b) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 10 đến dưới 20 người học;
c) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 20 người học trở lên.
2. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng ở trình độ trung cấp với một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai dưới 10 người học;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 10 đến dưới 20 người học;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 20 người học trở lên.
3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng ở trình độ cao đẳng với một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai dưới 10 người học;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 10 đến dưới 20 người học;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sinh sai từ 20 người học trở lên.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của quy chế tuyển sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí hoàn trả đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, khi tuyển sinh trình độ cao đẳng của trường cao đẳng nghề P sai đối tượng tuyển sinh thì có thể bị phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.