Khi mua hàng miễn thuế có được tự do định lượng hàng hóa không?
Mua hàng miễn thuế có giới hạn định lượng không?
Tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2020/NĐ-CP về định lượng mua hàng miễn thuế, theo đó:
2. Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, người nhập cảnh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định này được mua hàng miễn thuế theo định mức quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định việc miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh như sau:
1. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:
a) Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít.
Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật;
b) Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu;
c) Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;
d) Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;
Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.
2. Người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế; người điều khiển tàu hỏa và nhân viên phục vụ trên tàu hỏa liên vận quốc tế; sĩ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển; lái xe, người lao động Việt Nam làm việc ở các nước láng giềng có chung biên giới đường bộ với Việt Nam không được hưởng định mức hành lý miễn thuế quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được miễn thuế 01 lần. Định mức quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi.
Theo đó, bạn là hành khách trên chuyến bay quốc tế từ Úc đến Việt Nam thì định lượng các mặt hàng bạn có thể mang theo là định lượng theo các quy định nêu trên.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào bán tại cửa hàng miễn như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2020/NĐ-CP về thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế:
1. Đối với hàng hóa tạm nhập khẩu từ nước ngoài, khu phi thuế quan và kho ngoại quan: Doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
2. Đối với hàng hóa từ nội địa đưa vào cửa hàng miễn thuế, kho hàng miễn thuế: Doanh nghiệp phải thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế danh sách hàng hóa đưa vào cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế theo Mẫu số 10/DSHH Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và gửi đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. Sau khi nhận được phản hồi của hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, doanh nghiệp được đưa hàng hóa vào cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Chi cục Hải quan xác nhận thực tế hàng hóa đưa vào cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế trên cơ sở thông báo danh sách hàng hóa của doanh nghiệp thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Trường hợp có nghi ngờ về danh sách hàng hóa, trong vòng 02 giờ làm việc kể từ khi hệ thống xử lý dữ liệu điện tử phản hồi, Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử với thực tế hàng hóa đưa vào cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế của doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế lượng hàng tồn của cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế theo quyết định của Cục trưởng Cục Hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan giao Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế tổ chức thực hiện kiểm tra chậm nhất trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định.
Đối với trường hợp phức tạp, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra nhưng không quá 05 ngày làm việc.
Nội dung kiểm tra và kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng biên bản kiểm tra theo Mẫu số 13/BBKT Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Cơ quan hải quan thực hiện xác nhận thực tế hàng hóa đưa vào cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo kết quả kiểm tra thực tế.
Như vậy, khi bạn mang hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam thì bạn phải tiến hành thực hiện thủ tục hải quan với loại hàng hóa tương ứng với quy định trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.