Làm gì khi Ủy ban nhân dân không tiến hành hòa giải theo luật định
Thứ nhất, về việc kinh phí bạn không đủ để thực hiện khởi kiện:
Theo thông tin bạn cung cấp ở lá thư gửi đến chúng tôi lần trước, gia đình chồng đã thực hiện khởi kiện ra Tòa về vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất này. Nếu vụ án này đã được Tòa án thụ lý thì bạn đợi giấy triệu tập của Tòa. Khi đó, bạn có thể tham gia với tư cách bị đơn. Tại Tòa án, bạn bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn (gia đình nhà chồng) và đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Như vậy, bạn sẽ chỉ phải đóng phần tạm ứng án phí liên quan đến yêu cầu phản tố mà bạn đưa ra (nếu có) nhằm giảm bớt chi phí cho bạn.
Trường hợp gia đình chồng chỉ dọa mà không khởi kiện hoặc khởi kiện nhưng Tòa án chưa thụ lý, bạn phải thực hiện hòa giải tại UBND xã (đây là bước bắt buộc để có thể khởi kiện và Tòa án thụ lý đơn của bạn) hoặc nếu trước đó đã có biên bản hòa giải rồi thì đính kèm biên bản này vào hồ sơ khởi kiện. Nếu không đồng ý với kết quả hòa giải, bạn thực hiện khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, như đã tư vấn ở email trước, trường hợp Tòa án chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn hoặc không chấp nhận yêu cầu phản tố của bạn thì bạn sẽ phải đóng án phí. Để giảm tiền tạm ứng án phí lúc khởi kiện, bạn có thể ước lượng giá trị tài sản tranh chấp xuống thấp. Sau này dựa vào Bản án/ Quyết định của Tòa án định giá tài sản bao nhiêu, bên chịu đóng tiền án phí sẽ phải nộp tiền án phí với tỉ lệ phần trăm theo luật định tương ứng với giá trị tài sản.
Thứ hai, về việc hòa giải tại UBND xã:
Căn cứ Điều 202 Luật Đất đai năm 2013; Điều 88 NĐ 43/2014/NĐ-CP, UBND cấp xã nơi có bất động sản có trách nhiệm thẩm tra xác minh tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp và tiến hành hòa giải. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo thông tin cung cấp, bạn đã gửi ba lá đơn đến UBND xã nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, bạn phải đề cập ngay ở tên đơn với nội dung “Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai” và trình bày sự việc, yêu cầu UBND xã tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai dựa vào những căn cứ pháp lý được trích dẫn ở trên.
Nếu chưa thực hiện, bây giờ bạn làm đơn và gửi UBND xã. Trường hợp đã thực hiện đúng như hướng dẫn ở trên nhưng vẫn chưa được tổ chức hòa giải, bạn gửi đơn khiếu nại lần 1 đến UBND xã về không thực trách nhiệm tổ chức hòa giải (Điều 204 Luật Đất đai năm 2013; Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011). Tuy nhiên bạn cần chú ý về thời hiệu được khiếu nại là 90 ngày kể từ thời điểm hết 45 ngày là thời hạn UBND xã phải tổ chức và tiến hành hòa giải.
Trường hợp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại (40 ngày kể từ ngày nộp đơn) hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, bạn có thể thực hiện khiếu nại lần 2 đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính đối với hành vi hành chính của UBND xã. (Điều 7, Điều 28, Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011)
Vì bạn không muốn thực hiện khởi kiện tại Tòa án nên nếu muốn giải quyết tranh chấp đất đai chỉ có cách tự thỏa thuận với bên còn lại hoặc nhờ đến UBND xã tổ chức hòa giải. Trường hợp UBND cấp xã và/ hoặc thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu không thực hiện trách nhiệm của mình, bạn chỉ còn cách khởi kiện vụ án hành chính mới có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng. Bởi lẽ, Luật quy định đối với tranh chấp về đất đai phải qua bước hòa giải tại UBND cấp xã. Nếu không xuất trình biên bản hòa giải tại UBND cấp xã, Tòa án sẽ không thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.