Quyền và nghĩa vụ hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm
1. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:“e) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trong thời hạn thuê đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định”.
2. Việc chuyển đổi người sử dụng đất từ hộ kinh doanh sang tổ chức kinh tế được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Hộ gia đình, cá nhân thực hiện các công việc sau:
- Hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để thực hiện thủ tục chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản theo quy định (đối với trường hợp chưa được chứng nhận quyền sở hữu tài sản).
- Hộ gia đình, cá nhân phối hợp với tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất để lập biên bản thỏa thuận về định giá tài sản gắn liền với đất; liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức nhận góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Trường hợp khu đất nằm ngoài cụm, điểm công nghiệp thì hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm: liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để được cung cấp thông tin về quy hoạch kiến trúc; liên hệ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để được cấp Bản vẽ xác định chỉ giới đường đỏ (đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt) hoặc văn bản cung cấp thông tin về chỉ giới đường đỏ (đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được phê duyệt).
Bước 2: Sau khi hộ gia đình, cá nhân hoàn thành các thủ tục nêu tại bước 1, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để làm thủ tục chuyển đổi người sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân sang tổ chức kinh tế theo quy định sau:
B.1. Hồ sơ:Tổ chức sử dụng đất nộp hồ sơ (01 bộ) tại Sở Tài nguyên và Môi trường, gồm:
a) Đơn đề nghị đăng ký biến động về sử dụng đất (theo mẫu số 03/ĐK-GCN) của tổ chức sử dụng đất (bản chính).
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức sử dụng đất đã được đăng ký thay đổi sau khi nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất (bản sao chứng thực).
c) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất (đối với nơi có bản đồ địa chính) do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Hà Nội lập; hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính) do đơn vị có tư cách pháp nhân về đo đạc bản đồ lập được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định (bản chính).
d) Giấy tờ liên quan đến nguốc gốc, quá trình sử dụng đất, gồm: quyết định cho thuê đất, biên bản bàn giao mốc giới, quyết định phê duyệt giá thuê đất, hợp đồng thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được chứng nhận quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ liên quan khác nếu có do UBND cấp huyện cấp (bản chính).
đ) Giấy tờ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin chuyển đổi người sử dụng đất (bản sao chứng thực).
e) Giấy chứng nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường do UBND cấp huyện cấp (bản sao chứng thực).
g) Biên bản thỏa thuận về định giá tài sản gắn liền với đất (bản chính);
h) Hợp đồng góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan công chứng chứng nhận (bản chính).
i) Phương án sử dụng đất của tổ chức (trong đó có nội dung cam kết tiếp tục thực hiện dự án đã được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành đúng các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền giao đất, tiền thuê đất đầy đủ, đúng hạn - bản chính).
k) Văn bản của UBND cấp huyện nơi có đất đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép tổ chức được tiếp tục sử dụng đất để thực hiện, khai thác dự án (bản sao chứng thực).
Trường hợp khu đất nằm ngoài cụm, điểm công nghiệp, tổ chức có trách nhiệm bổ sung:
l) Xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất về nguồn gốc sử dụng khu đất trước khi UBND cấp huyện có Quyết định cho thuê đất và vị trí, ranh giới, diện tích khu đất không có tranh chấp, khiếu kiện (bản chính).
m) Văn bản thông tin về quy hoạch kiến trúc của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (bản sao chứng thực).
n) Bản vẽ xác định chỉ giới đường đỏ (đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt) hoặc văn bản cung cấp thông tin về chỉ giới đường đỏ (đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được phê duyệt) do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cấp (bản chính).
B.2. Việc chuyển đổi người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm tra hồ sơ, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất; trường hợp hồ sơ đủ điều kiện thì lập Tờ trình đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân cho tổ chức kinh tế tiếp tục sử dụng đất bằng hình thức giao đất hoặc cho thuê đất với thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất đã được xác định; trường hợp phải bổ sung hồ sơ thì trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở Tài nguyên và Môi trường ra thông báo bổ sung hồ sơ (thời gian bổ sung hồ sơ không tính trong thời hạn giải quyết nêu trên).
b) Sau khi tổ chức hoàn thành các nghĩa vụ theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân Thành phố (như: nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất; ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp thuê đất; bàn giao mốc giới trên bản đồ và ngoài thực địa), Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức.
c) Sau khi tổ chức thực hiện xong việc kê khai, nộp lệ phí trước bạ nhà, đất theo quy định, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.