Bị cưỡng bức lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
Điểm c Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động 2012 trong các trường hợp bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Căn cứ quy định mà Ban biên tập đã trích dẫn trên đây thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nếu người lao động bị người sử dụng lao động cưỡng bức lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.