Tiêu chuẩn chương trình tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông gồm các tiêu chí nào?
Chương trình tổng thể được pháp luật quy định như sau:
Chương trình tổng thể là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng giáo dục của cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi tắt là môn học), thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Tiêu chuẩn chương trình tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông gồm các tiêu chí tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành như sau:
a) Tiêu chí 1: Nội dung chương trình phù hợp với quy định của pháp luật; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị xã hội;
b) Tiêu chí 2: Quan điểm, mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và chương trình từng cấp học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông;
c) Tiêu chí 3: Yêu cầu cần đạt về những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học phải cụ thể hóa được mục tiêu chương trình của từng cấp học, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của học sinh và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục phổ thông;
d) Tiêu chí 4: Hệ thống môn học được xây dựng đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học; bảo đảm tính chỉnh thể, thống nhất từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông, tích hợp mạnh ở các cấp học dưới và phân hóa dần ở cấp học trên;
đ) Tiêu chí 5: Thời lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông và của mỗi cấp học, môn học được thiết kế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;
e) Tiêu chí 6: Nội dung giáo dục được định hướng nhằm đáp ứng các yêu cầu: trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng trong giai đoạn giáo dục cơ bản; học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị khả năng tham gia thị trường lao động hoặc học sau phổ thông trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp;
g) Tiêu chí 7: Có định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
h) Tiêu chí 8: Có quy định điều kiện thực hiện chương trình của cơ sở giáo dục phổ thông gồm tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và công tác xã hội hóa giáo dục;
i) Tiêu chí 9: Có quy định về phát triển chương trình thông qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục phổ thông; đánh giá và chỉnh sửa chương trình trong quá trình triển khai thực hiện;
k) Tiêu chí 10: Các thuật ngữ chính được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày bảo đảm quy định hiện hành.
Trên đây là nội dung câu trả lời về các tiêu chí của tiêu chuẩn chương trình tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo vấn đề này tại Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.