Khách không mua vé ở bến, gặp tai nạn có được bồi thường?
Điều 33 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể”. Việc lái xe của công ty vận chuyển hành khách gây tai nạn đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng con người được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc này sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bạn cũng như các hành khách - những người bị thiệt hại trong chuyến xe khách đó.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về pháp nhân tức công ty vận chuyển hành khách vì lái xe là người của công ty vận chuyển hành khách gây ra tai nạn và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách trên xe trong khi đang thực hiện nhiệm vụ được công ty giao. Vì thế, theo Điều 597 Bộ luật dân sự 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 523 Bộ luật dân sự 2015:
- Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
- Vé là bằng chứng cho việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
Dù bạn không mua vé xe thì giữa bạn và công ty vận chuyển hành khách đã có giao kết hợp đồng dân sự. Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể bằng lời nói hoặc văn bản. Việc giao kết này dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên và việc phụ xe để bạn lên xe đã chứng tỏ hai bên đã xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách.
Việc xác định mức bồi thường được căn cứ như sau:
Theo Điều 590, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ðiều 591, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.