Quy định kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp và quy định về giao giấy tờ tài sản
Khoản 17 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, sửa đổi Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tại điểm b, c khoản 6, khoản 7 quy định: Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay; Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Đồng thời, theo Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự; trường hợp từ chối, cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 90 Luật Thi hành án dân sự quy định kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp như sau:
“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này”.
Như vậy, trường hợp này Chấp hành viên cần phối hợp làm việc với ngân hàng, thông báo cho ngân hàng biết: quyền lợi của ngân hàng được bảo đảm, khi xử lý tài sản kê biên, người nhận nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự. Theo quy định pháp luật, Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản của người phải đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo thi hành án.
Khi kê biên, xử lý tài sản mà Ngân hàng không giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ (khoản 37 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.