Trường hợp phạm tội theo khoản 2 điều 314(tội không tố giác tội phạm)
Khoản 2 của điều luật không phải là cấu thành tăng nặng hay cấu thành giảm nhẹ mà là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của một số trường hợp đối với người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội . Xét về kỹ thuật lập pháp thì nhà làm luật đã quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự này ở Điều 22, khoản 2 Điều 314 chỉ nhắc lại quy định tại Điều 22, chứ không phải cụ thể hóa quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự. Vì vậy, nhà làm luật không cần quy định khoản 2 Điều 314 mà vẫn đảm bảo việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 314 thì ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự.
Ông bà của người phạm tội bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Cha, mẹ bao gồm cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi; nếu là cha mẹ nuôi thì việc nhận con nuôi phải đúng với quy định của pháp luật về nhận con nuôi.
Con bao gồm con đẻ hoặc con nuôi; nếu là con nuôi thì việc nhận con nuôi phải đúng với quy định của pháp luật về nhận con nuôi.
Anh chị em ruột bao gồm anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; không bao gồm anh chị em nuôi, vì điều luật chỉ quy định “anh chị em ruột”.
Vợ hoặc chồng là vợ chồng hợp pháp được quy định pháp luật công nhận; nếu là hôn nhân thực tế và không được pháp luật công nhận thì vẫn không được loại trừ trách nhiệm hình sự mặc dù họ sống chung với nhau như vợ chồng, có con chung và được mọi người coi như vợ chồng.
Điều luật không quy định những người này phải thường xuyên sống chung với người phạm tội hoặc thường xuyên quan hệ với người phạm tội mà chỉ cần có quan hệ huyết thống với người phạm tội. Nếu có tranh chấp về quan hệ huyết thống thì cần phải trưng cầu giám định.
Ví dụ: Vũ Xuân B ở thành phố Hồ Chí Minh phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sư. Sauk hi phạm tội, B trốn lên Đà Lạt đến nhà Trịnh Xuân K mà theo lời kể của mẹ B thì ông K là bố đẻ của B chứ không phải là ông Bùi Ngọc H đang là chồng của mẹ B và là bố của B theo giấy khai sinh của B. Ông K cũng biết mình mới là bố đẻ của B nhưng vì hoàn cảnh nên ông không kết hôn được với mẹ của B; khi biết được B phạm tội, ông chỉ khuyên B hãy về tự thú với công an và cho tiền để B bồi thường cho người bị hại nhưng vì thương con, ông K không báo cho công an biết về hành vi trộm cắp của B. Sauk hi bắt được B, Cơ quan điều tra đã khởi tố ông K về tội không tố giác tội phạm. Tại cơ quan điều tra ông K khai mình là bố đẻ của B, vì thương con nên ông không tố giác hành vi phạm tội của B. Cơ quan điều tra đã xác minh và kết luật, ông K đúng là bố của B nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông K.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng mà người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội khi họ có hành vi không tố giác tội phạm thuộc một trong các trường hợp tại Điều 313 cũng tương tự như đối với trường hợp xác định trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác tội phạm không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Chỉ cần biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã thực hiện mà không cần họ phải biết rõ đó là tội gì, là tội xâm phạm an ninh quốc gia hay tội phạm thường, có phải là tội đặc biệt nghiêm trọng hay không, mà việc xác định là do cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.