Phạm tội chưa đạt quy định như thế nào
Theo như thông tin chị cung cấp, H lén lút vào nhà chị với mục đích trộm cắp tài sản của nhà chị, nhưng chưa lấy được gì thì bị phát hiện và bị bắt. Tình tiết này cho thấy H định thực hiện tội trộm cắp tài sản nhưng chưa hoàn thành việc thực hiện tội phạm vì nguyên nhân ngoài ý muốn. Do dó, trường hợp này H được coi là phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 18 Bộ luật hình sự:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”
Tuy nhiên, để xác định được H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản tại Điều 138: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” hay không, phải trên cơ sở hành vi của H có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản hay không?
Cụ thể là:
Giá trị tài sản trộm cắp: chưa xác định được do H chưa kịp lấy trộm đã bị phát hiện và bị bắt. Vậy nên, việc xác định truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào chủ thể phạm tội.
Vì bạn chưa cung cấp thông tin về H nên có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: H đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp thứ hai: H chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, căn cứ Điểm 2 Nghị quyết 01/HĐTP ngày 4 tháng 8 năm 2000 hướng dẫn một số qui định trong phần chung BLHS:
“a. Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội phạm chưa đạt là trường hợp đã bắt đầu cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm. Khác với chuẩn bị phạm tội, thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt (bất kỳ tội phạm nào do cố ý). Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó.
b- Trong trường hợp xác định được hành vi vi phạm mà người đó thực hiện không đạt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc trong trường hợp không thể xác định được hành vi vi phạm mà họ thực hiện không đạt đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, thì áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố bị cáo không phạm tội mà họ đã bị truy tố”.
Nếu H thuộc trường hợp thứ nhất: Hành vi của H đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, H sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138, nhưng không xác định được thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của Điều 138; do đó, chỉ có căn cứ xét xử H theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999.
Nếu H thuộc trường hợp thứ hai: xác định được hành vi vi phạm mà H thực hiện không đạt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của H, nhưng không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc trong trường hợp không thể xác định được hành vi vi phạm mà họ thực hiện không đạt đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa, nên áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 18 Bộ luật hình sự năm 1999, H không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.