Thủ tục, trình tự xử lý vi phạm kỷ luật lao động
1. Việc xem xét, xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo Điều 87 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
a. Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động bằng các chứng cứ hoặc người làm chứng (nếu có); b. Phải có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trừ trường hợp xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách bằng miệng; c. Đương sự phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, hoặc người khác bào chữa. Trong trường hợp đương sự là người dưới 15 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ, hoặc người đỡ đầu hợp pháp của đương sự. Nếu người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản mà đương sự vẫn vắng mặt thì người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật và thông báo quyết định kỷ luật cho đương sự biết.
2. Biên bản xử lý vi phạm kỷ luật gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
Ngày, tháng, năm, địa điểm xử lý vi phạm kỷ luật lao động; Họ, tên, chức trách những người có mặt; Hành vi vi phạm kỷ luật lao động, mức độ vi phạm, mức độ gây thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp (nếu có); ý kiến của đương sự, của người bào chữa, hoặc người làm chứng (nếu có); ý kiến của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở; kết luận về hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động, mức độ thiệt hại, mức độ bồi thường và phương thức bồi thưòng (nếu có); đương sự, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở, người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động ký vào biên bản. Đương sự, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền ghi ý kiến bảo lưu; nếu không ký thì phải ghi rõ lý do.
3.Quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động:
* Người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc chuyển làm công tác khác có mức lương thấp hơn phải ra quyết định bằng văn bản ghi rõ thời hạn kỷ luật. Khi xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp, người sử dụng lao động báo cáo với Sở LĐ-TB &XH. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cáo Sở LĐ-TB&XH, người sử dụng lao động mới có quyền ra quyết định kỷ luật và chịu trách nhiệm quyết định của mình.
* Quyết định kỷ luật bằng văn bản ghi rõ tên đơn vị nơi đương sự làm việc, ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, nghề nghiệp của đương sự; nội dung vi phạm kỷ luật lao động, hình thức kỷ luật, mức độ thiệt hại, mức độ bồi thường và phương thức bồi thường (nếu có); ngày bắt đầu thi hành quyết định; chữ ký, họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
* Người sử dụng lao động gửi quyết định kỷ luật cho đương sự và Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trường hợp sa thải thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phải gửi quyết định kỷ luật cho Sở LĐ-TB&XH, kèm theo biên bản xử lý kỷ luật lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.