Bộ Công Thương trả lời về việc kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 đã quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Tại Chương III của Luật về các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá đã nêu rõ các biện pháp kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá, kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước và quy hoạch kinh doanh thuốc lá theo nguyên tắc phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và có giải pháp để từng bước chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá.
Trong đó, biện pháp kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá như sau:
- Việc đầu tư trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu và sản xuất thuốc lá phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất của cơ sở sản xuất thuốc lá để tiêu thụ trong nước không được vượt quá tổng sản lượng được phép sản xuất của toàn ngành thuốc lá trước ngày Luật này có hiệu lực.
- Dự án có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá; Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong vốn điều lệ của doanh nghiệp; Đáp ứng các điều kiện sản xuất thuốc lá theo quy định của Chính phủ.
- Hợp đồng nhượng quyền sở hữu công nghiệp sản xuất thuốc lá chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản.
- Hợp đồng sản xuất thuốc lá xuất khẩu, gia công thuốc lá xuất khẩu không tính vào sản lượng thuốc lá được phép sản xuất tiêu thụ trong nước và chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá sau khi được Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng ý bằng văn bản.
- Việc đầu tư sản xuất, gia công thuốc lá để xuất khẩu vượt quá sản lượng được phép sản xuất của cơ sở phải được Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng ý bằng văn bản.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã thể hiện quan điểm chủ trương của Nhà nước là Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Chính phủ quy định cụ thể việc cấp giấy phép mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá.
Hiện nay, sản phẩm thuốc lá không được khuyến khích tiêu dùng, nhưng người dân vẫn có nhu cầu. Nếu đóng cửa các nhà máy sản xuất thuốc lá thì sẽ tạo điều kiện cho việc nhập lậu thuốc lá gia tăng mạnh, khó kiểm soát, nên chưa thể thực hiện được biện pháp này. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Chính phủ đã và đang yêu cầu các nhà máy sản xuất thuốc lá cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm các sản phẩm cấp thấp, có lộ trình giảm lượng Tar và Nicotine.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải tăng cường hơn nữa việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu sản phẩm thuốc lá điếu, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Trong các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hiện nay không có nhà máy thuốc lá Vĩnh Phúc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.